Đôn Hoàng – thành phố cô liêu giữa sa mạc của cuộc đời
Nằm trên một ốc đảo cũng là trạm dừng chân của chuyến hành trình con đường tơ lụa xưa, Đôn Hoàng không chỉ là điểm dừng chân mà còn là nơi giao thoa văn hoá, nghệ thuật và tôn giáo Đông và Tây. Đôn Hoàng ngày nay là một địa danh rất nổi tiếng về lịch sử, văn hoá, tôn giáo tại tỉnh Cam Túc của Trung Quốc.
Hôm nay hãy cùng Hoa Lạc khởi hành đến Đôn Hoàng để chiêm ngưỡng sự ma mị bí ẩn của địa danh này nhé!
Contents:
1 Đôn Hoàng – điểm dừng chân trên con đường Tơ lụa
2 Hang Mạc Cao – Phật tích cô đơn giữa sa mạc
3 Ngọc Môn Quan – thành tích vang bóng một thời
4 Nguyệt Nha Tuyền – viên ngọc xanh giữa sa mạc hoang vu
5 Tổng kết:
Đôn Hoàng – điểm dừng chân trên con đường Tơ lụa
Đôn Hoàng 敦煌市 là một thành phố cấp phó địa thuộc tỉnh Cam Túc của Trung Quốc. Thành phố Đôn Hoàng có diện tích 31.200 km2. Nằm trong một ốc đảo trên chuyến hành trình dài trên con đường Tơ lụa thời cổ đại, Đôn Hoàng mang trong mình một vẻ đẹp bí ẩn, ma mị và có chút gì đó rất “phật giáo”. Đôn Hoàng nổi tiếng với địa danh như Ngọc Môn Quan hay các hang đá với những kiến trúc điêu khắc Phật giáo Mạc Cao.

Nơi đây từ là một trọng yếu của Trung Nguyên, trong quá khứ không chỉ là trạm dừng chân của những thương nhân trên con đường Tơ lụa mà còn là nơi giao thoa về văn hoá, nghệ thuật và tôn giáo Đông và Tây.  Đôn Hoàng còn là một trong những di sản văn hoá được UNESCO công nhận và là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Trung Quốc.
Hang Mạc Cao – Phật tích cô đơn giữa sa mạc
Hang Mạc Cao còn được biết đến với tên gọi khác như Hang động Ngàn Phật hay Thiên Phật Động. Đây là một hệ thống gồm 492 ngôi đền về phía đông nam cách 25 km trung tâm Đôn Hoàng. Thường thì người ta còn gọi hang Mạc Cao là hang Đôn Hoàng, nhưng thuật ngữ này thường được dùng để gọi một quần thể các hang động Phật giáo trong khu vực và xung quanh Đôn Hoàng nổi tiếng như Tây Thiên Phật động, Đông Thiên Phật động, hang Du Lâm, hang Ngũ Cá Miếu Thạch.

Những tác phẩm tại hang đá Mạc Cao phần lớn nói về lịch sử và quá trình Phật Giáo được truyền bá vào Trung Hoa. Đại đa số các bích hoạ đều là những hình vẽ nói về các sự tích Phật giáo, các vị Bồ Tát, Hộ Pháp của Phật giáo ở Ấn Độ, Trung Á và cả Trung Quốc. Hang Mạc Cao còn là nơi có lưu giữ những giá trị về nghệ thuật chạm khắc đá về Phật giáo kéo dài trong suốt khoảng 1000 năm.

Đây là một công trình được xây dựng vào năm 366 sau Công nguyên như là một nơi thiền định và thờ cúng của Phật giáo. Đây cũng là hang động Phật giáo nổi tiếng nhất Trung Quốc, cùng với Hang đá Vân Cương và Hang đá Long Môn là ba địa điểm điêu khắc Phật giáo cổ đại nổi tiếng nhất của Trung Hoa.

Nhiều học giả phương Tây gọi các tác phẩm trong hang đá Mạc Cao Đôn Hoàng là “Thư viện trên vách đá”. Từ góc độ xã hội kinh tế, các chuyên gia cho rằng việc xây dựng hang Mạc Cao rất có ý nghĩa với thời điểm trong quá khứ. Sau khi “Con đường tơ lụa” khai thông với tư cách là cửa ngõ thông đến Tây Vực (Tân Cương) nối với Trung Nguyên và điểm giao thoa giữa nền văn hóa Đông Tây. Đôn Hoàng đã trở thành một thành phố giao chuyển phồn hoa một thời. Và các thương gia đều cố gắng tập trung đến nơi này để giao thương. Bên cạnh đó, họ cũng rất cần một nơi làm chỗ dựa về mặt tinh thần và tín ngưỡng để cầu khấn bình an, kinh doanh phát đạt. Nên sự ra đời của Đôn Hoàng có lẽ là một nơi để đáp trả những nhu cầu về mặt tâm linh của họ trong thời đại đó.
Ngọc Môn Quan – thành tích vang bóng một thời
Ngọc Môn Quan là một con đèo nằm ở phía Tây của Đôn Hoàng. Vào thời cổ đại, đây là nơi mà con đường tơ lụa đi qua, và còn là một trong những con đường quan trọng kết nối các nước Trung Á với Trung Quốc. Để kiểm soát chặt chẽ về an ninh, kinh tế, chính quyền của các triều đại Trung Hoa đã xây dựng rất nhiều cửa ải trấn giữ biên giới. Và Ngọc Môn Quan chính là thành lũy cuối cùng ngăn cách giữa Trung Nguyên với các nước Tây Vực như Vu Điền, Cao Xương, Đột Quyết…

Thời kỳ hưng thịnh của con đường tơ lụa, Ngọc Môn Quan là một nơi mà các thương nhân của Trung Nguyên và Tây Vực thường hay đến tập trung để trao đổi buôn bán và giao thương. Nơi đây từng rất hưng thịnh và náo nhiệt, nhưng ngày nay với sự tàn phá của bão cát và thời gian, Ngọc Môn Quan chỉ còn là một phế tích cô độc và lặng lẽ…

Dù đã trải qua và chứng kiến biết bao sự thay đổi của các triều đại, Ngọc Môn Quan vẫn giữ cho mình những giá trị về văn hoá và lịch sử của một thời huy hoàng vang bóng một thời trong quá khứ… Ngọc Môn Quan cũng là một trong số 22 địa điểm của Trung Quốc và là một phần của con đường tơ lụa đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2014.
Nguyệt Nha Tuyền – viên ngọc xanh giữa sa mạc hoang vu
Nguyệt Nha Tuyền là một hồ nước có hình trăng lưỡi liềm tại một ốc đảo cách Đôn Hoàng 5km về phía tây nam, thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Từ thời nhà Hán, nơi này đã là một trong tám cảnh đẹp của Đôn Hoàng.

Nguyệt Nha Tuyền mang cho mình một vẻ đẹp bí ẩn hài hòa cùng với nhiều truyền thuyết được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Xung quanh nơi này, cây cối tươi xanh vô cùng trái ngược hoàn toàn với khung cảnh của sa mạc hoang vu kia. Mặc dù “tồn tại” với sự khắc nghiệt của khí hậu nơi sa mạc Gobi, Nguyệt Nha Tuyền lại như một viên ngọc xanh khiến du khách phải trầm trồ vì nét điểm xuyến đẹp đẻ đến ngây người giữ chốn sa mạc khô cằn ấy. Quan trọng là nước ở hồ chưa bao giờ khô cạn, vào mỗi mùa trong năm, suối Nguyệt Nha lại mang những vẻ đẹp rất riêng. Dọc theo bờ suối có một ngôi chùa mang kiến trúc truyền thống Trung Hoa, được xây dựng từ thời nhà Hán.

Đây từng là điểm dừng chân của các thương nhân Ả Rập trên chuyến hành trình con đường tơ lụa xưa. Đồng thời, dòng suối cũng nằm trên tuyến hành trình về với miền đất của Phật của các tín đồ Phật giáo từ khắp nơi tụ hội về.
Tổng kết:
Hành trình đến với Đôn Hoàng cũng như một chuyến đi tìm trở lại với sự phồn hoa và nhộn nhịp của con đường tơ lụa hay của những triều đại ở quá khứ. Dù hiện tại nơi đây đã trở thành một trong những khu di sản và du lịch được rất nhiều du khách đến tham quan, nhưng khi nhìn lại vào những di tích ấy, trong lòng của mỗi người chợt nhận không có gì có thể thoát khỏi quy luật của thời gian. Dù rực rỡ, náo nhiệt trong quá khứ là vậy, nhưng đến cuối cùng Đôn Hoàng vẫn cô liêu giữa sa mạc của cuộc đời và chỉ dành cả đời để tưởng nhớ về những năm tháng xưa sẽ không bao giờ quay trở lại vang bóng một thời.
Đôn Hoàng
Published:

Đôn Hoàng

Published:

Creative Fields